Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Việt Nam ứng phó đậu mùa khỉ thế nào

 Trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, Việt Nam tăng giám sát ca bệnh tại cửa khẩu, chuẩn bị thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng ngừa.


Chiều 24/7, Bộ Y tế đã họp khẩn cùng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về ứng phó đậu mùa khỉ, một ngày sau khi căn bệnh được coi là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.


Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ song có nguy cơ cao bệnh xâm nhập. Lý do là các quốc gia lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Campuchia... đã ghi nhận các ca đậu mùa khỉ. Trong khi đó, nước ta đã bỏ tờ khai y tế dành cho người nhập cảnh từ tháng 4; hành khách từ những nước này vào Việt Nam thuận lợi hơn trước.



Buổi họp chuẩn bị ứng phó đậu mùa khỉ chiều 24/7 tại Bộ Y tế. Ảnh: Chi Lê

Buổi họp chuẩn bị ứng phó đậu mùa khỉ chiều 24/7 tại Bộ Y tế. Ảnh: Chi Lê


Trước nguy cơ đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và lây lan, Cục Y tế Dự phòng cho rằng hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là giám sát người đến từ các nước có dịch, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, tại cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn virus bùng phát.


Về xét nghiệm chẩn đoán, giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết đang phối hợp các viện; đề nghị WHO, CDC hỗ trợ sinh phẩm cũng như quy trình xét nghiệm. Hiện Việt Nam chưa có các sinh phẩm này.


"Bộ kit hoàn chỉnh hiện nay rất ít, giả sử nếu có cung cấp tại Việt Nam, chúng ta phải có giấy phép từ Bộ Y tế mới được sử dụng. Về năng lực xét nghiệm, chúng ta phải đợi nhận bộ mồi của WHO cung cấp", ông Đức Anh nói.


Trong lúc chờ sinh phẩm chuẩn, phó giáo sư Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đề xuất tạm thời dùng một số hóa chất sinh phẩm dùng trong phòng thí nghiệm nhằm xét nghiệm chẩn đoán, sàng lọc ca bệnh trong trường hợp khẩn cấp.


Về vaccine, giáo sư Đức Anh cho biết thế giới hiện chỉ có hai loại vaccine được Mỹ cấp phép sử dụng, đều là vaccine virus sống. Vaccine có lộ trình hai liều, tiêm cách nhau 4 tuần, dành cho người trên 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không tiêm đại trà vaccine này, chỉ dùng cho nhóm nguy cơ cao như người đồng tính, lưỡng tính nam...


Tiến sĩ Sorroco Escalante, quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, khuyến nghị nên sử dụng vaccine đậu mùa để dự phòng. Tuy nhiên, Việt Nam không dự trữ loại vaccine này, do đó các chuyên gia đề nghị WHO hỗ trợ.


Hình ảnh hiển vi điện tử một chủng đậu mùa khỉ. Ảnh: Smith Collection

Hình ảnh hiển vi điện tử một chủng đậu mùa khỉ. Ảnh: Smith Collection


Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết cơ quan này đã soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, sẽ họp thông qua trong tuần tới. Theo nghiên cứu của cơ quan này, đa số trường hợp mắc đậu mùa khỉ có biểu hiện nhẹ, một số ca tăng nặng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não.


"Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng", ông Khoa nói.


Về phương thức lây truyền căn bệnh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định đậu mùa khỉ khó lây, chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp, giọt bắn lớn; không lây qua không khí như nCoV.


Để chủ động ứng phó dịch bệnh, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu. Thứ trưởng đồng ý sử dụng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn, giao Cục Y tế dự phòng làm đầu mối nghiên cứu.


Bà Liên Hương cũng đề nghị nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ vì không có hướng dẫn, không thể chẩn đoán ca mắc, chậm nhất trong tuần tới hoàn thành. Giao các đơn vị nghiên cứu phân loại bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm A hay B; xem xét cấp phép khẩn cấp thuốc kháng virus nếu có

Đậu mùa khỉ hiện lây nhiễm cho hơn 70 nước, thế giới ghi nhận hơn 16.000 ca bệnh, 5 ca tử vong. Bệnh có triệu chứng sốt, nhức đầu, nổi hạch lưng, đau cơ, suy nhược cơ thể, phát ban trên da.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . TiNa-Sữa non - Posts · Comments
Theme Template by BTDesigner · Powered by Blogger