TP HCMNam thanh niên 28 tuổi, nặng 140kg, gặp bão cytokine khi mắc Covid, phải đặt ECMO dài kỷ lục trong 84 ngày, nay hồi phục kỳ diệu.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 vì viêm phổi Covid-19 trong bệnh cảnh suy hô hấp nặng, ngày 10/11/2021. Chàng trai có bệnh nền đái tháo đường mới phát hiện, cân nặng 140 kg và chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 48, tức béo phì độ 3 - mức nặng nhất theo phân độ Tổ chức Y tế Thế giới.
Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp có nguy cơ nặng nhanh vì hiện tượng tăng viêm quá mức (bão cytokine). Bệnh nhân được theo dõi hồi sức liên tục, hội chẩn hội đồng chuyên môn thành phố, quyết định sử dụng kháng thể đơn dòng Tocilizumab ngay lập tức. Dù vậy, thời điểm 18 giờ sau nhập viện, bệnh nhân diễn tiến hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, phải can thiệp đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn.
Tình trạng suy hô hấp diễn tiến rất nhanh, trên một bệnh nhân béo phì nặng, các chuyên gia hồi sức đã can thiệp ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể). Đây là một kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, còn được gọi là phổi nhân tạo, trong đó máu bệnh nhân được bão hòa oxy và thải CO2 ở bên ngoài cơ thể. Với can thiệp này, phổi được tạo điều kiện để phục hồi chức năng trong khi chờ đợi các biện pháp can thiệp điều trị đặc hiệu và chăm sóc y khoa đạt được hiệu quả tối đa.
Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục diễn tiến suy đa cơ quan do bão cytokine, vừa được lọc máu hấp phụ, vừa duy trì ECMO để đảm bảo chức năng các cơ quan sống còn.
Phổi bệnh nhân tổn thương trắng xoá trên phim Xquang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phổi bệnh nhân tổn thương trắng xoá trên phim Xquang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trải qua một tuần hồi sức tích cực với kỹ thuật cao, sinh hiệu bệnh nhân và chức năng các cơ quan bắt đầu hồi phục và ổn định dần. Tuy nhiên, tổn thương phổi do Covid-19 tiến triển nặng, đông đặc đến 80% thể tích phổi, người bệnh phải hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải (Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16) nhận định ECMO được xem là niềm hy vọng cuối cùng của bệnh nhân viêm phổi Covid-19 nguy kịch khi thở máy xâm lấn không thành công. Dù vậy, theo y văn thế giới, béo phì bệnh lý với BMI trên 40 được xem là yếu tố tiên lượng xấu khi can thiệp ECMO vì nguy cơ xuất hiện các biến chứng và tỷ lệ tử vong cao. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ chết có thể lên đến 80-90%.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế Việt Nam cũng đánh giá những trường hợp béo phì nặng với BMI trên 40 là một chống chỉ định tương đối bác sĩ phải cân nhắc cẩn thận trước khi can thiệp và phải có chiến lược theo dõi thích hợp tại trung hồi sức chuyên sâu.
Quá trình hồi sức tích cực ban đầu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Quá trình hồi sức tích cực ban đầu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Giang Minh Nhật (Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1) cho biết suốt gần ba tháng can thiệp, có những thời điểm tổn thương phổi diễn tiến nặng đến mức mặc dù được hỗ trợ ECMO hoàn toàn, oxy hóa máu bệnh nhân vẫn không đủ đảm bảo, thậm chí đe doạ tử vong.
Các buổi hội chẩn liên chuyên khoa Hồi sức tích cực - Dinh dưỡng lâm sàng - Dược lâm sàng - Hô hấp - Vật lý trị liệu được thực hiện hàng tuần để đưa ra chiến lược điều trị và chăm sóc phù hợp ở từng thời điểm, đáp ứng với những diễn biến phức tạp của bệnh nhân. Tất cả thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại nhất được bệnh viện huy động nhằm hỗ trợ hồi sức chuyên sâu tối ưu nhất.
"Xác định trường hợp rất nặng, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ và điều dưỡng đều đồng lòng, quyết tâm cứu bằng được tính mạng bệnh nhân, mặc dù hy vọng khá mong manh", bác sĩ Nhật chia sẻ. Quá trình chăm sóc, điều dưỡng bệnh nhân béo phì nặng rất khó khăn, đặc biệt khi xoay trở tư thế, phòng ngừa loét tỳ đè, phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện, cũng như phải có chế độ dinh dưỡng vừa phù hợp nhu cầu chuyển hóa cơ bản, vừa đáp ứng tình trạng viêm, nhiễm trùng nặng.
Với sức trẻ và nghị lực phi thường, cùng nỗ lực của y bác sĩ, kỳ tích đã xảy ra, chàng trai được cai máy thở thành công ngày 23/1.
Dù không còn thở máy xâm lấn, bệnh nhân vẫn phải được hỗ trợ hô hấp bằng oxy lưu lượng cao (HFNC) vì tổn thương phổi còn chiếm 50% toàn bộ thể tích phổi. Lúc này, các chuyên gia vật lý trị liệu và dinh dưỡng lâm sàng đưa ra chiến lược phục hồi chức năng hô hấp - vận động và dinh dưỡng tăng cường, với mục tiêu đưa người bệnh tái hoà nhập cuộc sống bình thường càng nhanh càng tốt. Việc phối hợp liên chuyên khoa đã chứng minh hiệu quả, bệnh nhân cai ECMO thành công và chỉ cần hỗ trợ oxy lưu lượng thấp sau 84 ngày, các vùng xẹp phổi và đông đặc trên Xquang cải thiện đáng kể.
Đây là một trong những trường hợp bệnh nhân viêm phổi Covid-19 có cân nặng hiếm gặp (140 kg) tại Việt Nam, với thời gian duy trì ECMO dài nhất tính đến thời điểm hiện tại (84 ngày). "Tôi biết tình trạng hiện tại của mình đã là một kỳ tích, cảm ơn tất cả các y bác sĩ đã chăm sóc trong thời gian qua", chàng trai 28 tuổi nói, dù vẫn đang phải đón Tết trong viện.
Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách, thực hiện được các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu từ thở HFNC, thở máy không xâm lấn đến thở máy xâm lấn, lọc máu, siêu lọc máu liên tục, ECMO. Đến nay, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch được cứu sống ngoạn mục và hồi phục xuất viện.
Lê Phương
Xem thêm Sửa non Alpha lipid Lifeline tăng sức đề kháng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét