Mũi vaccine thứ ba được xem là liều tăng cường, ưu tiên tiêm cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền và lực lượng tuyến đầu, theo chuyên gia.
Chiến lược tiêm vaccine Covid-19 liều thứ ba hiện được nhiều quốc gia triển khai như Israel, Mỹ, Trung Quốc, Đức,... ưu tiên người lớn tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Việt Nam cũng lên kế hoạch tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Trả lời VnExpress gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế tính tới việc tiêm mũi tăng cường cho người bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch... Quyết định tiêm liều tăng cường dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ công tác tiêm chủng quốc tế.
"Trong điều kiện hiện tại nên ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho nhóm nguy cơ cao, đầu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch thường xuyên tiếp xúc với F0", PGS TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), nói. Nhóm này đã tiêm từ tháng 3, tháng 4 và vẫn đang thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nên cần tiêm tăng cường để có đủ kháng thể, giảm nguy cơ trở nặng khi nhiễm, theo PGS Nga.
Nhóm ưu tiên thứ hai là người cao tuổi, người già, người suy giảm miễn dịch cần tiêm thêm mũi ba để đáp ứng miễn dịch phòng bệnh.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM), cho biết sau khi tiêm vaccine khoảng 4-6 tháng, kháng thể giảm dần và nếu bị phơi nhiễm với nCoV có thể mắc bệnh dù không bị bệnh nặng. Nhiều nghiên cứu cho thấy các tế bào miễn dịch không bị sút giảm sau thời gian này (thậm chí tế bào B còn hơi tăng theo thời gian trong vòng 6 tháng đầu). Vì vậy, ngoại trừ những người cao tuổi hoặc bị bệnh nền khiến hệ miễn dịch rất kém, hiệu quả chính của vaccine (chống bệnh nặng, chống tử vong do mắc Covid-19) không giảm, ít nhất trong vòng 6 tháng đầu tiên.
"Do đó, xem xét tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người làm việc ở môi trường nguy cơ vào thời gian 6 tháng sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản (2 mũi đầu) là hợp lý, nếu có đủ vaccine", phó giáo sư Dũng phân tích.
Người bình thường ở trong môi trường có ít virus nên ít nguy cơ mắc bệnh, hoặc nếu mắc bệnh cũng ít nguy cơ trở nặng.
Giới khoa học thế giới hiện khuyến cáo không nên tiêm liều tăng cường cho tất cả mọi người. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng muốn tiêm mũi tăng cường cho toàn dân nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không đồng ý, sau khi xem xét về những lợi ích của việc tiêm tăng cường so với những tốn kém về chi phí, biến cố bất lợi.
Ngày 11/10, nhóm chuyên gia Cố vấn Chiến lược (SAGE) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người suy giảm miễn dịch cần được tiêm vaccine Covid-19 tăng cường vì nhóm này ít có khả năng đáp ứng đầy đủ với vaccine nếu chỉ tiêm theo liều tiêu chuẩn và có nguy cơ cao trở thành ca bệnh nặng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) quy định nhóm đủ điều kiện tiêm vaccine tăng cường, gồm: Người từ 65 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như ung thư, tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao như lực lượng tuyến đầu, cơ sở giáo dục hay nhân viên bán hàng,...
Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), ngày 27/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), ngày 27/10. Ảnh: Quỳnh Trần
Việt Nam hiện chưa công bố chi tiết kế hoạch tiêm mũi ba. Theo các chuyên gia, hiện ngành y tế vẫn nên ưu tiên vaccine để phủ đủ hai mũi trên diện rộng, sau đó mới tính đến việc tiêm mũi ba cho những người nguy cơ như miễn dịch kém, người cao tuổi... Nhiều địa phương còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm mũi hai, nên ưu tiên phân bổ vaccine cho những người này trước khi tiêm mũi ba.
Tính đến 13/11, cả nước đã tiêm được hơn 97 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64 triệu liều, tiêm mũi 2 là 33,7 triệu liều, mục tiêu cuối năm 2021 bao phủ vaccine cho 70-80% dân số.
Thùy An - Lê Phương
Xem thêm Sửa non Alpha lipid Lifeline tăng sức đề kháng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét