Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng

- 0 nhận xét

 Ghi chú:  Một bạn trẻ vừa có thư hỏi trong Thiền tập có phải thở bụng không? Có chứ. Vì thở bụng là cách thở sinh lý tự nhiên mà. Không chỉ con người mà con ếch, con cóc, thằn lằn, rắn mối… gì cũng thở bằng bụng cả. Do đó, trong Thiền tập cũng phải thở bụng chứ. Lúc đầu dõi theo từng nhịp thở vào thở ra, thậm chí đếm… (chánh niệm), khi đã điều hòa thì không còn cần dõi theo hơi thở nữa, mà bắt đầu “quán sát”; ở giai đoạn thiền sâu hơn thì không còn cảm nhận có hơi thở nữa…   (ĐHN)


 


Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng


(Abdominal -or diaphragmatic- breathing)


Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phồi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.  Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 84 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, họat động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!


Tôi may mắn được quen biết  ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy.  Ông là bác sĩ đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm.  Ông là cố vấn của bộ môn Tâm lý-Xã hội học do tôi phụ trách tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế Thành phố (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989).  Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.  Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bĩ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ong cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở bụng, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt.  Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông. Trước kia tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến khi tôi bị cơn tai biến nặng (1997),  phải nằm viện dài ngay, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít  nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn.  Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết còn thì chỉ… dùng phương pháp thở bụng để tự chữa bệnh cho mình! Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tài chí, dưỡng sinh…  của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.


Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:


Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm chậm sâu đều

Tập trung theo dõi

Luồng ra luồng vào

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được!


Nhiều độc giả viết thư, gởi email, điện thọai hỏi thêm về Phương pháp Thở Bụng này. Có người bảo sau 2 tháng “tập luyện” đã  thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn; có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v..  Một độc giả ở tận Hà Tiên, nói nhờ đã thử tập thở 2 tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ 5 phút mới hết…

Trước hết cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải có giờ giấc, tư thế nọ kia? Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả!


Cứ quan sát  một bé đang ngủ ngon lành thì biết: Nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và… thở bằng cái bụng! Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên  không chỉ của người mà của…mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con cắc kè., con ễnh ương… thì biết. Nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi. Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả! “Ở đâu cũng đựơc/ Lúc nào cũng đựơc” là vậy.


Thứ hai là không nên ráng sức, gắng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt thế thôi. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến … thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần… Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối lọan sự điều hoà tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”! Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn” của một phái võ nào đâu! Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng.  Nhưng phải kiên trì,  như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó ( tăng huyết áp, tiểu đừơng…) thì vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.


Thứ ba, nếu luôn nhớ mình đang thở, thì theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống theo từng nhịp thở là đựọc. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức, nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, dõi theo nó thì sẽ giúp ta… quên các thứ chuyện lăng xăng bên ngoài, giúp tâm ta được tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ… sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!


Câu “êm, chậm, sâu, đều” trong bài vè chưa cần phải tập. Còn lâu mới “êm chậm sâu đều” được! Cứ thở tự nhiên, vì không phải “luyện công” mà! Có người hỏi nên thở bằng mũi hay bằng miệng, vì có người khuyên phải hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng? Mũi dùng để thở. Không khí qua mũi sẽ được sưởi ấm, bụi bậm… sẽ bị lông mũi chặn lại. Do vậy nên thở bằng mũi tốt hơn, trừ phi quá mệt (leo leo cầu thang, chạy bộ…) hoặc bệnh, hoặc luyện khí công…


«Thót bụng thở ra» được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.


Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé “tung mình” ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được “lắp đặt” xong, đã khởi động tốt…


Sự hô hấp thực chất xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi chỉ là một cái máy bơm, bơm khí vào-ra, “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế” của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn pít-tông (piston) chính là cơ hoành – một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bễ lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Cơ hoành có khả năng nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí (Các cơ hô hấp khác chỉ chịu tránh nhiệm 20%). Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất!


Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for Reversing Heart Disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.


Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng, phối hợp với dinh dưỡng, vận động thể lực.


Phương pháp thở bụng (Abdominal -or diaphragmatic- breathing) không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.


BS Đỗ Hồng Ngọc.

Xem thêm Sửa non Alpha lipid Lifeline tăng sức đề kháng



[Continue reading...]

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

Covid-19 tại Nhật Bản suy yếu có thể do virus 'tự hủy diệt'

- 0 nhận xét

 Các chuyên gia giả thuyết Covid-19 tại Nhật Bản suy yếu do virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến “tự hủy diệt".


Sau Thế vận hội Olympic, số ca nhiễm nCoV tại Nhật Bản vẫn cao chóng mặt, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực. Cuối tháng 8, số bệnh nhân theo ngày thường chạm ngưỡng hơn 26.000, chính phủ phải áp đặt một số biện pháp hạn chế để giảm lây truyền. Song những tuần gần đây, số ca mắc mới giảm xuống dưới 200. Ngày 7/11, lần đầu tiên trong 15 tháng, nước này không ghi nhận ca tử vong nào.


Hồi tháng 10, các chuyên gia "không thể hiểu nổi" nguyên nhân Covid-19 tại Nhật suy yếu nhanh chóng. Lần này, họ đưa ra giả thuyết khác nhau để lý giải tình hình. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là Nhật Bản có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong số những nước phát triển. Đến nay, 75% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ hai liều vaccine.


Tuy nhiên, theo giáo sư Mike Toole, chuyên gia dịch tễ tại Viện Burnet, tiêm chủng không phải lý do duy nhất khiến số ca nhiễm nước này giảm đột ngột. "Không thể lấy mỗi vaccine để giải thích tình hình tại Nhật Bản. Còn 30% trong số 100 triệu dân chưa tiêm chủng, tức là vẫn còn chỗ cho virus lây lan", ông cho biết.


nCoV tự hủy diệt trong quá trình đột biến


Nhiều chuyên gia nhận định lý do chính nằm ở những thay đổi về di truyền của nCoV trong quá trình nhân lên, tốc độ là khoảng hai đột biến mỗi tháng.


Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia, đưa ra một lý thuyết tiềm năng mang tính cách mạng: Biến thể Delta tại Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến với một protein không cấu trúc, có khả năng sửa lỗi di truyền của nCoV tên là nsp14. Kết quả, virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến "tự hủy diệt".


Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người châu Á có một loại enzym phòng vệ gọi là APOBEC3A, tấn công các virus RNA (trong đó có nCoV) hiệu quả hơn so với người châu Âu và châu Phi.


Vì vậy, chuyên gia tại Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata đã khám phá cách protein APOBEC3A ở người ảnh hưởng đến protein nsp14 của nCoV. Họ muốn tìm hiểu liệu nó có ức chế được hoạt động của virus nói chung hay không.


Giáo sư Inoue và các đồng nghiệp phân tích dữ liệu về đa dạng di truyền của biến thể Delta, Alpha trong mẫu bệnh phẩm người Nhật kể từ tháng 6 đến tháng 10. Sau đó, họ thiết lập mô hình quan hệ giữa các trình tự DNA của nCoV để thể hiện đa dạng di truyền trong sơ đồ, gọi là mạng lưới haplotype. Hiểu đơn giản, mạng lưới càng lớn thì ghi nhận càng nhiều ca dương tính.


Mạng lưới haplotype của biến chủng Alpha, vốn là yếu tố chính trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 của Nhật Bản kể từ tháng 3 đến tháng 6, có 5 nhóm chính với nhiều đột biến phân nhánh. Từ đó khẳng định mức độ lây truyền cao.


Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng biến thể Delta có mức độ đa dạng di truyền lớn hơn nhiều. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định Delta lây lan nhanh gấp hai lần các biến thể trước đó, gây bệnh nặng ở những người chưa tiêm chủng. Song sau thời gian tìm hiểu, họ phát hiện điều ngược lại.


Mạng lưới haplotype của Delta chỉ có hai nhóm chính. Các đột biến bất ngờ dừng lại giữa quá trình phát triển. Khi tiếp tục kiểm tra enzyme sửa lỗi nsp14 của virus, họ nhận ra phần lớn mẫu nsp14 ở Nhật Bản dường như trải qua nhiều thay đổi về di truyền ở các vị trí đột biến tên là A394V.


Điều này có nghĩa biến thể Delta ở Nhật Bản dễ lây lan. Song khi đột biến chồng chất lên nhau, virus cuối cùng bị lỗi, không thể tự sao chép. Đối chiếu thực tế rằng số ca nhiễm nước này không tăng, các nhà khoa học phỏng đoán nCoV đã tuyệt chủng tự nhiên sau một thời gian đột biến.


"Chúng tôi thực sự bị sốc khi phát hiện ra điều này", giáo sư Inoue nói.



Người Nhật Bản đi bộ trong khu mua sắm Shibuya, thành phố Tokyo, vào ngày 7/8. Ảnh: Reuters

Người Nhật Bản đi bộ trong khu mua sắm Shibuya, thành phố Tokyo, vào ngày 7/8. Ảnh: Reuters


Tiền đề chấm dứt Covid-19


Giả thuyết của ông Inoue phần nào lý giải cho sự suy yếu bí ẩn của dịch bệnh tại Nhật Bản. Trong khi hầu hết các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự (như Hàn Quốc) đang hứng chịu làn sóng Covid-19 kỷ lục, Nhật Bản dường như là trường hợp đặc biệt, ca nhiễm không tăng dù nhà hàng và ga tàu điện đông đúc đến đâu.


"Nếu virus còn hoạt động tốt, các ca mắc chắc chắn sẽ tăng vì tiêm chủng không thể ngăn ngừa lây nhiễm đột phá trong một số trường hợp", giáo sư Inoue cho biết.


Theo Takeshi Urano, giáo sư tại Khoa Y của Đại học Shimane, Covid-19 suy yếu bất ngờ là chủ đề thảo luận sôi nổi của nhiều chuyên gia.


Ông giải thích, nsp14 hoạt động với các protein virus khác và có chức năng quan trọng để bảo vệ RNA khỏi bị phá vỡ. Làm tê liệt nsp14 sẽ giúp giảm khả năng tái tạo của virus. Protein này có nguồn gốc từ virus, vì vậy, nhắm vào protein này, các nhà khoa học có thể bào chế loại thuốc đầy hứa hẹn đẩy lùi Covid-19.


Điểm khác biệt tại Nhật Bản là Delta gần như lấn át Alpha và các biến thể còn lại kể từ tháng 8. Tại những nước như Ấn Độ và Indonesia, các biến thể vẫn lưu hành đồng thời.


Giả thuyết của giáo sư Inoue cũng có thể giải thích vì sao dịch SARS đột ngột chấm dứt vào năm 2003 mà không cần đến bất cứ loại vaccine hay thuốc nào. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã khiến virus SARS có đột biến nsp14. Cuối cùng virus không thể tự tái tạo vì các đột biến chồng chất lên nhau.


"Đây chỉ là giả thuyết, chúng tôi không có dữ liệu bộ gene. Nhưng virus đã biến mất và không bao giờ trở lại nữa", ông nói.


Câu hỏi đặt ra là liệu Covid-19 có kết thúc tự nhiên giống SARS, khi virus tự hủy diệt, không thể nhân lên được nữa?


"Không phải không có khả năng, nhưng mong đợi điều đó lúc này là hơi sớm. Chúng tôi chưa có bằng chứng khoa học, dù đã xem xét dữ liệu ở các quốc gia khác nhau", ông Inoue cho biết.


Sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 8, các ca Covid-19 hàng ngày ở Nhật Bản giảm xuống dưới 5.000 vào giữa tháng 9 và dưới 200 vào cuối tháng 10. Theo ông Inoue, nước này nằm trong nhóm có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất trong những quốc gia phát triển, nhưng không hề "miễn nhiễm" với làn sóng Covid-19 tiếp theo. Ông cho rằng Delta đã vô tình đẩy lùi các biến thể khác ở Nhật Bản, song không thể ngăn chặn hoàn toàn những biến thể mới. Chỉ riêng vaccine không đủ sức giải quyết đại dịch.


Một số người thắc mắc liệu người dân Nhật Bản có sở hữu loại gene đặc biệt giúp tiêu diệt Delta và nCoV nói chung. Giáo sư Inoue phản bác giả thuyết này.


"Người Đông Á như Hàn Quốc cũng có đặc điểm giống Nhật Bản. Nhưng tình hình của họ lại khác hẳn. Tôi cũng không rõ vì sao hiện tượng virus tự biến mất chỉ có ở Nhật Bản", ông Inoue nói.


Thục Linh (Theo ABC, Japan Times)

Xem thêm Sửa non Alpha lipid Lifeline tăng sức đề kháng




[Continue reading...]

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Ai cần tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba?

- 0 nhận xét


Mũi vaccine thứ ba được xem là liều tăng cường, ưu tiên tiêm cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền và lực lượng tuyến đầu, theo chuyên gia.


Chiến lược tiêm vaccine Covid-19 liều thứ ba hiện được nhiều quốc gia triển khai như Israel, Mỹ, Trung Quốc, Đức,... ưu tiên người lớn tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Việt Nam cũng lên kế hoạch tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.


Trả lời VnExpress gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế tính tới việc tiêm mũi tăng cường cho người bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch... Quyết định tiêm liều tăng cường dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ công tác tiêm chủng quốc tế.


"Trong điều kiện hiện tại nên ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho nhóm nguy cơ cao, đầu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch thường xuyên tiếp xúc với F0", PGS TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), nói. Nhóm này đã tiêm từ tháng 3, tháng 4 và vẫn đang thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nên cần tiêm tăng cường để có đủ kháng thể, giảm nguy cơ trở nặng khi nhiễm, theo PGS Nga.


Nhóm ưu tiên thứ hai là người cao tuổi, người già, người suy giảm miễn dịch cần tiêm thêm mũi ba để đáp ứng miễn dịch phòng bệnh.


Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM), cho biết sau khi tiêm vaccine khoảng 4-6 tháng, kháng thể giảm dần và nếu bị phơi nhiễm với nCoV có thể mắc bệnh dù không bị bệnh nặng. Nhiều nghiên cứu cho thấy các tế bào miễn dịch không bị sút giảm sau thời gian này (thậm chí tế bào B còn hơi tăng theo thời gian trong vòng 6 tháng đầu). Vì vậy, ngoại trừ những người cao tuổi hoặc bị bệnh nền khiến hệ miễn dịch rất kém, hiệu quả chính của vaccine (chống bệnh nặng, chống tử vong do mắc Covid-19) không giảm, ít nhất trong vòng 6 tháng đầu tiên.


"Do đó, xem xét tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người làm việc ở môi trường nguy cơ vào thời gian 6 tháng sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản (2 mũi đầu) là hợp lý, nếu có đủ vaccine", phó giáo sư Dũng phân tích.


Người bình thường ở trong môi trường có ít virus nên ít nguy cơ mắc bệnh, hoặc nếu mắc bệnh cũng ít nguy cơ trở nặng.


Giới khoa học thế giới hiện khuyến cáo không nên tiêm liều tăng cường cho tất cả mọi người. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng muốn tiêm mũi tăng cường cho toàn dân nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không đồng ý, sau khi xem xét về những lợi ích của việc tiêm tăng cường so với những tốn kém về chi phí, biến cố bất lợi.


Ngày 11/10, nhóm chuyên gia Cố vấn Chiến lược (SAGE) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người suy giảm miễn dịch cần được tiêm vaccine Covid-19 tăng cường vì nhóm này ít có khả năng đáp ứng đầy đủ với vaccine nếu chỉ tiêm theo liều tiêu chuẩn và có nguy cơ cao trở thành ca bệnh nặng.


Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) quy định nhóm đủ điều kiện tiêm vaccine tăng cường, gồm: Người từ 65 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như ung thư, tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao như lực lượng tuyến đầu, cơ sở giáo dục hay nhân viên bán hàng,...



Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), ngày 27/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), ngày 27/10. Ảnh: Quỳnh Trần


Việt Nam hiện chưa công bố chi tiết kế hoạch tiêm mũi ba. Theo các chuyên gia, hiện ngành y tế vẫn nên ưu tiên vaccine để phủ đủ hai mũi trên diện rộng, sau đó mới tính đến việc tiêm mũi ba cho những người nguy cơ như miễn dịch kém, người cao tuổi... Nhiều địa phương còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm mũi hai, nên ưu tiên phân bổ vaccine cho những người này trước khi tiêm mũi ba.


Tính đến 13/11, cả nước đã tiêm được hơn 97 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64 triệu liều, tiêm mũi 2 là 33,7 triệu liều, mục tiêu cuối năm 2021 bao phủ vaccine cho 70-80% dân số.


Thùy An - Lê Phương

Xem thêm Sửa non Alpha lipid Lifeline tăng sức đề kháng



[Continue reading...]

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

4 loại cây vị thuốc nên trồng trong nhà bếp

- 0 nhận xét

 Nha đam, ngò rí, hành lá, hương thảo là những loại cây quen thuộc, dễ trồng trong nhà bếp, tác dụng thanh lọc không khí và là vị thuốc tốt cho sức khỏe.


Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, chia sẻ: Trồng cây trong nhà bếp mang lại nhiều lợi ích, vừa có tác dụng trang trí, vừa làm gia vị và là vị thuốc khi cần. Màu xanh của cây lá còn giúp gia chủ cảm thấy thư giãn, nâng cao tinh thần, tăng cường khả năng sáng tạo.


Khu vực nhà bếp có những đặc trưng bởi khói, độ ẩm, nhiệt và dầu mỡ được tạo ra trong lúc nấu nướng. Không nên chọn các loại cây quá mỏng manh, sức sống kém, cây trồng cần chịu được sự thay đổi của nhiệt độ. Nên đặt cây trên bệ cửa sổ, hoặc nếu nhà bếp hạn chế nhiều về ánh sáng, có thể luân phiên mang cây ra ngoài trời vài ngày rồi mang vào bếp.


Theo bác sĩ Vũ, khu vực nhà bếp không nên trồng các loại cây có độc như vạn niên thanh, đỗ quyên, trúc đào, xương rồng bát tiên. Tránh trồng các loại cây thân bụi to hoặc leo rủ phát triển nhanh vì có thể là chỗ ẩn nấp cho côn trùng như muỗi.


Dưới đây là một số loại cây trồng phù hợp với điều kiện ánh sáng, nhiệt độ trong nhà bếp, dễ chăm sóc, sức sống tốt và có lợi ích với sức khỏe.


Nha đam


Nha đam là loại cây có sức sống mãnh liệt, thích nghi khá tốt với môi trường khắc nghiệt, không cần tưới nước nhiều. Nha đam có hình dáng đẹp, lá cây căng tràn mọng nước đầy sức sống. Nha đam có nhiều công dụng cho sức khỏe và sắc đẹp. Lá nha đam là nguyên liệu nấu ăn cho các món chè, thạch.


"Lá nha đam có ba lớp, trong đó, lớp thịt được gọi là gel nha đam chứa rất nhiều dưỡng chất như canxi, kali, magie, crom, natri, đồng, kẽm, selen, cung cấp nước cho cơ thể, là vị thuốc nhuận tràng tự nhiên, giúp chống táo bón, phát triển lợi khuẩn đường ruột", bác sĩ Vũ phân tích.


Gel nha đam còn làm dịu làn da cháy nắng, làm trắng và sáng da, sơ cứu cho vết bỏng nhẹ trong nhà bếp.



Nha đam giúp lọc không khí và là vị thuốc hữu ích với sức khỏe và làm đẹp. Ảnh. Nouveauraw

Nha đam giúp lọc không khí và là vị thuốc hữu ích với sức khỏe và làm đẹp. Ảnh. Nouveauraw


Ngò rí (rau mùi)


Đây là loại rau quen thuộc trong ẩm thực của người Việt Nam, không chỉ giúp tạo ra hương vị thơm ngon hấp dẫn cho món ăn mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.


Ngò rí có tên khoa học là Coriandrum Sativum L., thuộc họ Hoa tán - Apiaceae. Toàn thân cây có mùi thơm nên được thu hái làm rau thơm và gia vị. Thành phần dinh dưỡng của ngò rí chứa hàm lượng cao axit béo omega 3 và omega 6, nhiều chất chống oxy hóa, và các vitamin như A, B1, B2, C...


Theo bác sĩ Vũ, y học cổ truyền còn dùng cả quả, rễ và lá ngò rí làm thuốc chữa bệnh. Rau có vị cay, tính ấm, nó tác dụng mạnh vào vùng phổi, tiêu hóa, hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy bụng, khó tiêu; giúp chữa hôi miệng, sâu răng, đau răng do trong ngò rí có Citronelol và một số chất có tác dụng kháng khuẩn mạnh.


Lá và hạt rau mùi có tinh dầu giúp khử mùi hôi, chữa sâu răng, viêm nhiễm răng miệng. Có thể lấy lá ngò rí giã nát lấy nước súc miệng. Ngò rí còn chứa vitamin và các chất chống lão hóa sẽ giúp cải thiện thị lực, giảm tình trạng thoái hóa điểm vàng, làm dịu mắt cho những ai thường phải ngồi máy tính nhiều. Nước cốt rau ngò rí giúp giảm viêm với các vết mụn bọc, mụn trứng cá.


Ngò rí là gia vị phổ biến trong các món ăn của người Việt, có tính ấm, kháng viêm. Ảnh. krishijagran

Ngò rí là gia vị phổ biến trong các món ăn của người Việt, có tính ấm, kháng viêm. Ảnh. krishijagran


Hành lá


Tên khác của hành lá là hành ta, hành hoa, hành xanh, hành non. Tên khoa học: Onion/Allium fistulo-sum.


"Hành lá cũng là loại gia vị rất quen thuộc và vị thuốc lâu đời của y học cổ truyền với tác dụng giải cảm tuyệt vời. Hành chứa một lượng đáng kể calci, phosphor và kali, carotene và chất sắt, rất tốt cho cơ thể", bác sĩ Vũ nói.


Hành chứa rất nhiều thành phần hóa học có tác dụng phòng chữa bệnh như acid malic, phytin và alylsulfid, tinh dầu, đặc biệt là chất kháng sinh allicin hòa tan trong nước. Allicin có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn, bệnh bạch hầu. Hành cũng chứa chất kháng khuẩn Fitoncidi, giúp tăng quá trình tạo ra dịch nhầy, phát huy hiệu quả với màng niêm mạc.


Theo y học cổ truyền hành có vị cay, tính nóng, tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, trợ tiêu hóa, sát trùng, an thai. Thường dùng chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ăn uống không tiêu, đầy bụng, bụng lạnh. Người ta vẫn nấu cháo hành để chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu ăn cháo hành nóng, chữa đau lưng, kiết lỵ. Dùng ngoài giã nát, đun sôi để rửa các vết thương, vết loét, chàm(eczema), viêm da, chữa mụn nhọt mưng mủ.


Hành lá chứa allcin, có tác dụng diệt khuẩn. Ảnh. Betterindia

Hành lá chứa allcin, có tác dụng diệt khuẩn. Ảnh. Betterindia


Hương thảo


Hương thảo có mùi rất thơm, cũng là loại gia vị trong nhiều món ăn. Cây hương thảo (romarin - rosemary) còn gọi là cây tây dương chổi, tên khoa học Rosmarinus officinalis L., thuộc họ Hoa môi – Laminaceae.


Tinh dầu hương thảo có những tác dụng như chống co thắt, làm ra mồ hôi, hạ nhiệt, giảm đau đầu, hỗ trợ tiêu hóa, lợi tiểu, giải độc, chống viêm, gia tăng bài tiết mật.


Theo bác sĩ Vũ, trong Đông y, hương thảo có vị chát, mùi thơm nồng, tính ấm nóng, tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, hoạt huyết, tẩy uế trọc, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường, chống viêm sưng, chống oxy hóa, kích thích tuần hoàn máu lên não, giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung, giúp chống rụng tóc, khử trùng đường hô hấp và làm long đàm, dễ khạc đàm.


Hương thảo có mùi thơm nồng, tính ấm nóng. Ảnh. kuaibao

Hương thảo có mùi thơm nồng, tính ấm nóng. Ảnh. Kuaibao


Lê Cầm

Xem thêm Sửa non Alpha lipid Lifeline tăng sức đề kháng




[Continue reading...]

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Chữa rối loạn nuốt sau đột quỵ

- 0 nhận xét

Xin hỏi bác sĩ có thể cải thiện chứng rối loạn nuốt sau đột quỵ không, hay người bệnh phải ăn qua sonde dạ dày suốt đời? (Văn Hùng, 56 tuổi, Bình Dương)


Trả lời:


Rối loạn nuốt cũng giống như yếu liệt tay chân, là hậu quả của một phần não bị hư hại do đột quỵ. Do đó khả năng cải thiện, hồi phục sẽ tùy thuộc vào vị trí và độ nặng của phần não bị tổn thương này.


Những người tổn thương nhẹ, nhỏ hoàn toàn có thể hồi phục, ăn uống trở lại bình thường. Nhưng những người tổn thương nặng, không được cấp cứu ban đầu kịp thời, có thể không hồi phục và phải ăn bằng ống lâu dài, khi đó bác sĩ sẽ chỉ định mở thông dạ dày để nuôi ăn thuận tiện và lâu dài hơn.


Thân mến!


Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng

Xem thêm Sửa non Alpha lipid Lifeline tăng sức đề kháng




[Continue reading...]
 
Copyright © . TiNa-Sữa non - Posts · Comments
Theme Template by BTDesigner · Powered by Blogger