Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Làm vườn giúp giảm nguy cơ ung thư

- 0 nhận xét

 MỸNghiên cứu mới cho thấy làm vườn có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm nguy cơ ung thư.


Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health, ngày 7/1. Đây là nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát đầu tiên cho thấy người làm vườn ăn nhiều chất xơ, hoạt động thể chất tích cực hơn - hai cách hiệu quả làm giảm nguy cơ ung thư và các bệnh mạn tính.


"Những phát hiện mới cung cấp bằng chứng cụ thể cho thấy làm vườn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư, các bệnh mạn tính và rối loạn sức khỏe tâm thần", Jill Litt, giáo sư Khoa Nghiên cứu Môi trường tại Đại học Colorado Boulder, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.


Để thực hiện nghiên cứu, giáo sư Litt và các đồng nghiệp chia 291 tình nguyện viên thành hai nhóm: không làm vườn và làm vườn. Nhóm làm vườn được nhận một khu vườn cộng đồng tự do, một số hạt giống, cây con. Họ cũng tham gia khóa học làm vườn cơ bản thông qua chương trình Vườn Đô thị Denver phi lợi nhuận - đối tác của nghiên cứu.


Sau một thời gian, cả 291 tình nguyện viên thực hiện khảo sát định kỳ về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe tinh thần, xét nghiệm các chỉ số cơ thể và đeo máy theo dõi hoạt động.


Kết quả cho thấy lượng chất xơ trung bình trong khẩu phần ăn theo ngày của nhóm làm vườn cao hơn 1,4 g (7%) so với nhóm đối chứng. Các chuyên gia cho biết chất xơ ảnh hưởng mật thiết đến phản ứng miễn dịch, cách con người tiêu hóa thức ăn, sức khỏe hệ vi sinh đường ruột, mức độ nhạy cảm với bệnh tiểu đường và một số bệnh ung thư.



Một người phụ nữ đang trồng cây trong vườn. Ảnh: Freepik

Làm vườn có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Ảnh: Freepik


Mức tiêu thụ chất xơ được khuyến nghị là 25-38 g mỗi ngày. Tuy nhiên người trưởng thành ở đô thị thường ăn ít hơn 16 g.


Đồng tác giả James Hebert, giám đốc Chương trình Kiểm soát và Phòng ngừa Ung thư của Đại học Nam Carolina cho biết: "Tăng một gram chất xơ có thể tác động tích cực đối với sức khỏe".


Nhóm làm vườn trong nghiên cứu cũng có mức độ hoạt động thể chất cao hơn 42 phút so với nhóm không làm vườn. Các cơ quan y tế công cộng khuyến nghị mỗi người tập thể dục ít nhất 150 mỗi tuần. Trong khi đó, người Mỹ chỉ đáp ứng 25% khoảng thời gian này. Với ba lần làm vườn mỗi tuần, những người tham gia nghiên cứu đáp ứng 30% mức thể dục được khuyến nghị.


Các tình nguyện viên cũng báo cáo làm vườn giúp họ giảm cảm giác lo lắng và sự căng thẳng. Các nhà khoa học xác nhận ngay cả người mới làm vườn cũng có thể nhận được lợi ích sức khỏe đáng kể.


Thục Linh (Theo Medical Express)

[Continue reading...]

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

9 nguyên nhân thường gặp gây tiêu hóa kém

- 0 nhận xét

 Gặp vấn đề về tiêu hóa, ăn thực phẩm chế biến sẵn, stress… là các nguyên nhân thường gặp gây tiêu hóa kém.


Tiêu hóa kém có thể khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải do không được cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng. Tình trạng này kéo dài không cải thiện gây suy giảm chức năng và hệ miễn dịch. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tiêu hóa kém là quá trình chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng diễn ra chậm do bộ phận nào đó của hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Thức ăn ứ đọng tại cơ quan tiêu hóa gây đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy...


Tiến sĩ Khanh chỉ ra một số nguyên nhân thường gặp gây tiêu hóa kém như sau:


Chứng khó tiêu chức năng


Chứng khó tiêu chức năng là bệnh tiêu hóa thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra như căng thẳng, chậm quá trình làm rỗng dạ dày, tăng nhạy cảm với axit, ăn thức ăn có nhiều gia vị cay nóng... Các triệu chứng của bệnh có thể gặp phải như đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, đau thượng vị sau ăn, nóng rát vùng thượng vị. Thay đổi cách sống để cân bằng, giúp giảm các triệu chứng khó chịu.


Hội chứng ruột kích thích


Hội chứng ruột kích thích (IBS) là chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến. Những người bị IBS thường có triệu chứng của tiêu hóa kém như đau bụng, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy... Tiến sĩ Khanh cho rằng, căng thẳng trong thời gian dài, chế độ ăn uống không lành mạnh, tác dụng phụ của thuốc... là các yếu tố khiến bệnh trầm trọng hơn.


Viêm ruột


Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là hai dạng của viêm ruột. Viêm loét đại tràng gây viêm và loét trên niêm mạc ruột già. Bệnh Crohn là chứng rối loạn tiêu hóa với kích ứng và viêm khắp đường tiêu hóa. Hai bệnh này là nguyên nhân gây tiêu hóa kém.



Tiêu hóa kém có thể do mắc bệnh đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, chứng khó tiêu chức năng... Ảnh: Freepik

Tiêu hóa kém có thể do mắc bệnh đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, chứng khó tiêu chức năng... Ảnh: Freepik


Không dung nạp thực phẩm


Không dung nạp, nhạy cảm với thức ăn gây ra khó khăn trong việc tiêu hóa một số loại thực phẩm. Tình trạng tiêu hóa kém xảy ra ở người không dung nạp thực phẩm như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.


Thực phẩm chế biến sẵn


Các thực phẩm được chế biến sẵn, thức ăn đông lạnh, xúc xích... có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Những thực phẩm này làm tăng lượng đường trong máu và tăng tình trạng viêm gây ra tình trạng tiêu hóa kém. Theo Tiến sĩ Khanh, các thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất phụ gia khiến bạn bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Các vi khuẩn có lợi cho đường ruột bị tiêu diệt là nguyên nhân khiến quá trình tiêu hóa gặp vấn đề.


Thói quen ăn uống giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Thói quen ăn uống giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Thuốc


Thuốc, nhất là kháng sinh có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa sẽ giảm khi ngừng thuốc. Tiến sĩ Khanh cho biết, một số thuốc giảm đau cũng thường ảnh hưởng tới đường ruột. Các loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa như codein, tramadol, mooc phin, buprenorphine, tapentadol, fentanyl...


Uống không đủ nước


Uống không đủ nước có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như táo bón. Không nhận đủ chất lỏng có thể khiến cơ thể khó khăn khi đi tiêu.


Căng thẳng


Mức độ căng thẳng tăng cao có tác động tiêu cực đến quá trình tiêu hóa. Căng thẳng hoặc lo lắng quá mức dễ dẫn đến viêm hoặc tiêu chảy trong một số trường hợp. Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích.


Bệnh tiểu đường


Rối loạn tiêu hóa là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Những người mắc bệnh có thể bị lượng đường trong máu cao gây liệt dạ dày, tác động đến các cơ quan tiêu hóa, dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém. Người bệnh thường mất nhiều thời gian tiêu hóa thức ăn dẫn đến các triệu chứng khó chịu như chậm tiêu, táo bón.


Theo Tiến sĩ Khanh, tình trạng tiêu hóa kém nếu không được khắc phục, diễn ra trong một thời gian dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy khiến cơ thể mất nước. Tiêu hóa kém ở mức độ nặng dễ gây nhiễm trùng đường ruột, nguy hiểm đến tính mạng. Nhận biết nguyên nhân và theo dõi tình trạng sức khỏe để điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.


Cải thiện sức khỏe đường ruột từ chế độ ăn, lối sống

Cải thiện sức khỏe đường ruột từ chế độ ăn, lối sống

Dấu hiệu nhận biết đường ruột không khỏe và cách cải thiện

Dấu hiệu nhận biết đường ruột không khỏe và cách cải thiện

Men vi sinh cải thiện các bệnh đường tiêu hóa

Men vi sinh cải thiện các bệnh đường tiêu hóa

Lục Bảo

[Continue reading...]
 
Copyright © . TiNa-Sữa non - Posts · Comments
Theme Template by BTDesigner · Powered by Blogger