Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Nhà khoa học Việt tìm ra chất ức chế tế bào ung thư máu từ gạo

- 0 nhận xét

 GS.TS Trần Đăng Xuân và cộng sự chứng minh chất Momilactones A và B trong gạo có tác dụng thúc đẩy quá trình tự chết của tế bào ung thư máu bằng cách điều hòa các protein.


Nghiên cứu do GS.TS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima (Nhật Bản) với đồng nghiệp, gồm Trợ lý Giáo sư TS Nguyễn Văn Quân, TS Lã Hoàng Anh, cùng GS.TS Takami Akiyoshi và Thạc sĩ Vũ Quang Lâm tại Đại học Y khoa Aichi thực hiện, được công bố trên tạp chí Cancers về tiềm năng chống ung thư máu của các hợp chất momilactone A và B (MA và MB) chiết xuất từ lúa gạo, hồi đầu tháng 10.



Hai hợp chất Momilactone A và B được chiết xuất tại phòng thí nghiệm Sinh lý Thực vật và Sinh hóa, Đại học Hiroshima. Ảnh: NVCC

Hai hợp chất Momilactone A và B được chiết xuất tại phòng thí nghiệm Sinh lý Thực vật và Sinh hóa, Đại học Hiroshima. Ảnh: NVCC


Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra tiềm năng tiêu diệt các tế bào ung thư máu bao gồm lơ xê mi cấp tiền tuỷ bào và đa u tuỷ xương của Momilactones A, B (MA, MB) cùng hỗn hợp của chúng (MAB) với tỷ lệ 1:1. Cụ thể, MB và MAB cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vượt trội so với thuốc chữa ung thư phổ biến là doxorubicin và arsenic trioxide (ATO), tương đương với all-trans retinoic acid (ATRA).


Bằng các thí nghiệm chuyên sâu, GS Trần Đăng Xuân và cộng sự đã làm rõ cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của momilactone. Cụ thể, các hợp chất này có thể thúc đẩy quá trình tự chết của tế bào ung thư bằng cách điều hòa các protein liên quan (p-38, BCL-2, và caspase-3). Ngoài ra, momilactone có thể ngăn chặn chu kỳ tế bào tại pha G2 bằng cách kích hoạt protein p-38 và ức chế hoạt động của phức hợp CDK1 và cyclin B1. Bằng cách đó, momilactone làm tế bào ung thư không thể phân chia được. Đặc biệt, momilactone cho thấy ảnh hưởng không đáng kể đến tế bào khoẻ mạnh.


Việc phát hiện đặc tính gây độc tế bào chống lại tế bào ung thư của momilactone được kỳ vọng là tiền đề cho các nghiên cứu và phát triển của các loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả dựa trên momilactone trong tương lai.


Nhóm cho biết sẽ tiếp tục các nghiên cứu về khả năng tiếp cận sinh học và khả dụng sinh học thông qua các thử nghiệm trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo.


Trước đây, một số nghiên cứu từng chỉ ra tiềm năng chống ung thư của momilactones, tuy nhiên, cơ chế hoạt động gây độc tế bào chưa được xem xét kỹ lưỡng. Sở dĩ các nghiên cứu chuyên sâu về hợp chất này vắng bóng trên thế giới do hợp chất "đắt hơn vàng 30 nghìn lần" này không có sẵn trên thị trường, cũng như khó khăn trong việc phân lập và tinh chế.


Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima do GS Xuân đứng đầu là một trong số ít các phòng thí nghiệm trên thế giới có thể tinh chế momilactones từ các nguồn tự nhiên.


GS Trần Đăng Xuân (bìa phải) và nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm sinh lý, thực vật và hóa sinh. Ảnh:Đại học Hiroshima.

GS Trần Đăng Xuân (bìa phải) và nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm sinh lý, thực vật và hóa sinh. Ảnh:Đại học Hiroshima.


Trong công bố hồi tháng 1/2019, nhóm tìm thấy và phân lập thành công hai hợp chất này từ trấu và gạo trắng. Từ 20 kg vỏ trấu, sau gần 3 tháng, khoảng 300 mg MA và 200 mg MB (chiếm khoảng 1/100 -150 nghìn trọng lượng vỏ trấu) được tách chiết. Hợp chất này từng được trang điện tử Carbosynth.com, một công ty chuyên về các sản phẩm hóa sinh nổi tiếng của Anh bán với giá 1.25 triệu USD cho 1g (đắt gấp 30 nghìn lần giá trị 1g vàng). Trong các nghiên cứu sau đó, hai hợp chất quý này cũng cho thấy có khả năng ức chế tiểu đường, béo phì.

      Như Quỳnh


[Continue reading...]

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Ăn nhiều cà rốt có thực sự làm da bạn chuyển thành màu cam không?

- 0 nhận xét

 👨Phạm Hải

Cà rốt là một món ăn ngon, bổ, rẻ đúng nghĩa mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Từ lâu, đã có không ít nghiên cứu về cách loại củ này có thể cải thiện thị lực của bạn tuyệt vời ra sao. Tuy nhiên, còn có một câu chuyện truyền miệng phổ biến khác có thể khiến bạn vò đầu bứt tai: Ăn quá nhiều cà rốt có thể khiến da bạn cũng chuyển sang màu cam không?


Câu trả lời là CÓ! Cà rốt thực sự có thể khiến da bạn trở nên vàng hơn nếu ăn quá nhiều. Thế nhưng nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì? Và ăn như thế nào là quá nhiều?


Số là cà rốt rất giàu beta-carotene, một loại sắc tố thực vật giúp chúng có màu sắc rực rỡ, cụ thể ở đây là màu cam hoặc vàng đậm. Trên thực tế, beta-carotene cũng có thể được tìm thấy trong một số loại thực phẩm phổ biến khác như khoai lang và bí ngô, nhưng hàm lượng không cao như cà rốt. Khi bạn ăn cà rốt, beta-carotene đi vào cơ thể và được chuyển hóa thành vitamin A, giúp tăng khả năng miễn dịch và cải thiện thị lực. Tuy nhiên, nếu bạn nạp quá nhiều beta-carotene, chúng sẽ tích tụ trong cơ thể khiến da của bạn chuyển sang tông màu cam, vàng đậm


Y học gọi hiện tượng này là Carotenemia, một tình trạng đổi màu trên da người gây ra bởi sự dư thừa beta-carotene trong cơ thể. Khi mới được tiêu hóa, beta-carotene sẽ được “bơm” vào máu và chảy đi khắp cơ thể. Nhưng đó, chúng sẽ tích tụ tại một số khu vực có phần mô da dày trên cơ thể như lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, khiến những vùng da này chuyển thành màu cam. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi Carotenemia nhiều và rõ rệt hơn so với các lứa tuổi trưởng thành. Đồng thời, hiện tượng này có thể dễ nhận thấy hơn ở người có da sáng màu.





Tuy nhiên, bạn cũng không phải sợ hãi hay nghĩ đến việc ngừng ăn cà rốt hoàn toàn. Carotenemia không phải là một tình trạng ác tính hay có hại cho cơ thể. Ngoài ra, nó cũng có thể biến mất khi bạn hạn chế tiêu thụ lượng thực phẩm chứa beta-carotene trong chế độ ăn uống của mình.


Carotenemia không phải quá phổ biến, thậm chí với cả những người thích và thường xuyên ăn rau củ quả. Thông thường, đây là kết quả của việc ăn kiêng triệt để với một lượng lớn rau củ quả giàu beta-carotene.


Theo nghiên cứu, cơ thể con người cần beta-carotene để sản xuất vitamin A. Trong đó, nam giới cần bổ sung 900 microgram (3.000 IU) vitamin A mỗi ngày, còn phụ nữ cần ít hơn, chỉ khoảng 700 microgram (2.310 IU). Thông thường, một củ cà rốt lớn có chứa khoảng 6 milligram beta-carotene, tương đương khoảng 1.000 microgram vitamin A sau khi được chuyển hóa.


Chưa có bất cứ một hướng dẫn chính thức nào về việc thực hiện chế độ ăn bổ sung hoặc hạn chế beta-carotene. Tuy nhiên, tỉ lệ chuyển hóa beta-carotene thành vitamin A là 12:1, bạn sẽ cần ăn khoảng 300 củ cà rốt mỗi ngày trong nhiều tuần, mới có thể khoác lên mình một màu da mới. Đây là con số không tưởng. Do đó, bạn hãy cứ thoải mái mà tận hưởng ly nước ép cà rốt thơm ngon của mình mỗi ngày

[Continue reading...]

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Ăn trước khi ngủ, người bảo nên, người bảo không nên: Thực hư thế nào?

- 0 nhận xét

 MÂY ,   

Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nên hay không nên ăn trước khi đi ngủ. Vậy, điều gì sẽ xảy ra với cơ thể nếu chúng ta ăn trước khi ngủ?


Thị trấn 'sang chảnh' ở Mỹ, nơi người dân lái máy bay riêng đi ăn sáng 

Ngôi làng ở Ấn Độ có 1/3 dân số bỏ nghề để làm YouTuber 

Thí nghiệm của Pharaoh Ai Cập cổ đại: Không dạy trẻ sơ sinh nói chuyện, liệu chúng có thể tạo ra ngôn ngữ mới không? 

Vì sao loài động vật có 'mũi thở' như cá voi lại ngủ được dưới nước? 

Hành trình mở khóa bí ẩn về giấc ngủ đông của loài người 

Có người cho rằng việc ăn trước khi ngủ có thể gây tăng cân vì quá trình trao đổi chất thường chậm lại khi chúng ta chìm vào giấc ngủ và điều này có thể khiến cho lượng calo dư thừa được lưu trữ dưới dạng chất béo.


Tuy nhiên, cũng có một số người lại cho rằng việc ăn một bữa nhẹ trước khi đi ngủ không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và có thể cải thiện giấc ngủ, thậm chí là giúp giảm cân nếu chúng ta ăn bữa nhẹ đúng cách. Vậy, thực hư của vấn đề này thế nào?


Ăn trước khi ngủ gây ảnh hưởng sức khoẻ

1. Có thể khiến bạn tăng cân

Một số nghiên cứu cho thấy những người có thói quen ăn trước khi đi ngủ dễ bị tăng cân hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng các bữa ăn trước khi đi ngủ có thể cung cấp nhiều calo hơn mức cần thiết cho cơ thể nếu bạn ăn quá nhiều hoặc lựa chọn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo.


Không chỉ vậy, buổi tối cũng là thời điểm mà một số người có xu hướng cảm thấy đói. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị căng thẳng thường có lượng hormone ghrelin, hormone kích thích sự thèm ăn cao hơn vào buổi tối. Điều này có thể khiến mọi người nạp vào cơ thể lượng calo vượt quá nhu cầu calo hàng ngày. Ngoài ra, những người thích ăn khuya trong khi xem TV hoặc làm việc cũng có nguy cơ cao bị tăng cân do họ dễ bị phân tâm và không kiểm soát được khẩu phần ăn.


Thêm vào đó, những người không nạp đủ năng lượng trong ngày cũng có thể cảm thấy đói vào buổi tối. Điều này có thể dễ dàng khiến bạn ăn quá nhiều hoặc quá no trước khi đi ngủ. Và vào sáng hôm sau, bạn sẽ thấy đầy bụng, không ăn sáng, sau đó bạn sẽ tiếp tục không nạp đủ năng lượng cho cơ thể và lặp lại quá trình như buổi tối trước đó.


Chu kỳ này có thể có thể dẫn đến tình trạng tăng cân và nó cũng giải thích lý do tại sao mọi người nên ăn đủ chất, đủ năng lượng trong các bữa ăn hàng ngày.



Ăn trước khi ngủ, người bảo nên, người bảo không nên: Thực hư thế nào? - Ảnh 1.


Ảnh minh hoạ: Nghiên cứu chỉ ra rằng các bữa ăn trước khi đi ngủ có thể cung cấp nhiều calo hơn mức cần thiết cho cơ thể nếu bạn ăn quá nhiều hoặc lựa chọn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo.


2. Khiến bệnh trào ngược dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn


Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một tình trạng phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhiều người. Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi axit dạ dày trào ngược trở lại lên trên cổ họng.


Nếu bị trào ngược dạ dày, mọi người nên hạn chế ăn trước khi đi ngủ bởi vì điều này có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu bạn mắc bệnh trào ngược dạ dày, bạn không nên ăn bất cứ thứ gì trong vòng ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ.


Ăn trước khi ngủ có lợi với một vài người


1. Giúp giảm cân nếu ăn đúng cách

Điều này trái ngược hoàn toàn với luận điểm ở trên. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy rằng ăn một bữa ăn nhẹ khoa học, đúng cách trước khi đi ngủ có thể giúp một số người giảm cân.


Nếu bạn là người có thói quen ăn vặt vào buổi tối thì một bữa ăn nhẹ khoa học, đúng cách trong khoảng thời gian từ sau bữa tối đến trước khi đi ngủ có thể giúp bạn hạn chế thói quen ăn vặt thông qua việc kiểm soát sự thèm ăn.


Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tuần trên những người có thói quen ăn vặt vào buổi tối, những người tham gia đã ăn một bát ngũ cốc với sữa sau 90 phút kể từ bữa tối. Kết quả cho thấy họ đã nạp vào cơ thể ít hơn 397 calo so với trước đó. Sau 4 tuần, những người tham gia nghiên cứu đã giảm trung bình 0,84kg nhờ thay đổi thói quen ăn uống này.


Nghiên cứu này cho thấy rằng một bữa ăn nhẹ với lượng calo vừa đủ sau bữa tối có thể giúp những người thích ăn vặt vào buổi tối ăn ít hơn. Theo thời gian, điều này có thể hỗ trợ họ giảm cân.


Ăn trước khi ngủ, người bảo nên, người bảo không nên: Thực hư thế nào? - Ảnh 2.


Ảnh minh hoạ: Nghiên cứu này cho thấy rằng một bữa ăn nhẹ với lượng calo vừa đủ sau bữa tối có thể giúp những người thích ăn vặt vào buổi tối ăn ít hơn.


2. Giúp ngủ ngon hơn

Một số người có thói quen ăn tối sớm nhưng cần thức muộn để làm việc. Điều này khiến họ dễ bị đói hơn. Chuyên gia dinh dưỡng Alexis Supan cho biết: "Nếu bạn mang chiếc bụng đói đi ngủ, điều này có thể làm gián đoạn giấc ngủ và đem lại một số tác động tiêu cực đến sức khoẻ".


Lúc này, một bữa ăn nhẹ trước khi ngủ có thể xua đi cơn đói và giúp bạn ngủ ngon hơn. Chuyên gia Supan cho biết: "Miễn là bạn lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh cho bữa ăn nhẹ thì nó sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ mà thậm chí còn giúp bạn ngủ ngon hơn".


Quan trọng là bạn ăn gì...

Đối với hầu hết mọi người, ăn nhẹ trước khi đi ngủ là điều hoàn toàn không gây ảnh hưởng quá lớn tới sức khoẻ. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý sau.


Không nên ăn các món chứa nhiều chất béo không lành mạnh và đường bổ sung như kem, bánh ngọt hoặc khoai tây chiên,... trước khi ngủ. Bởi, những thực phẩm này có thể kích thích cảm giác thèm ăn và khiến bạn ăn quá nhiều. Điều này rất dễ khiến bạn nạp vào cơ thể lượng calo vượt quá nhu cầu calo hàng ngày.


Ăn trước khi ngủ, người bảo nên, người bảo không nên: Thực hư thế nào? - Ảnh 3.


Ảnh minh hoạ: Không nên ăn các món chứa nhiều chất béo không lành mạnh và đường bổ sung như kem, bánh ngọt hoặc khoai tây chiên,...


Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn hoa quả hoặc các loại hạt để ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Chuyên gia Supan cho biết: "Nếu bạn thực sự đói, hãy hấp một ít rau củ (cà rốt, bông cải xanh, đậu Hà Lan,...) hoặc ăn salad". Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các loại thực phẩm như hoa quả (táo, nho,...), sữa chua Hy Lạp,... cho bữa ăn nhẹ trước khi ngủ.


Các loại thực phẩm này có thể cung cấp thêm protein, vitamin và một số chất dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể, đồng thời giúp bạn cảm thấy no hơn.


Cuối cùng, chuyên gia Supan khuyến cáo thêm rằng hãy cân nhắc khẩu phần của bữa ăn nhẹ bởi nếu bạn ăn quá nhiều, điều này ngược lại có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức 

[Continue reading...]

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Điều trị đậu mùa khỉ thế nào

- 0 nhận xét

 Bệnh đậu mùa khỉ điều trị triệu chứng là chủ yếu, thuốc trị đặc hiệu dùng cho trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt, theo Bộ Y tế.


Theo Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị chung của bệnh đậu mùa khỉ là giám sát và cách ly, chủ yếu điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải và hỗ trợ tâm lý, dùng thuốc đặc hiệu với nhóm nguy cơ cao và theo dõi dấu hiệu chuyển nặng hoặc biến chứng.


Ở thể nhẹ, người bệnh được điều trị hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; theo dõi các biến chứng như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Bệnh nhân nặng điều trị ở khoa hồi sức, dùng các thuốc đặc hiệu như tecovirimat, cidofovir, brincidofovir, globulin miễn dịch (còn gọi là huyết thanh).


Tecovirimat là thuốc dùng đường uống và truyền. Brincidofvir là thuốc đường uống còn cidofovir dùng để truyền tĩnh mạch. Các thuốc này dùng cho cả người lớn và trẻ em, song liều lượng khác nhau. Riêng globulin miễn dịch, Bộ Y tế yêu cầu cân nhắc tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho người bệnh đậu mùa khỉ.


Trên thế giới, người mắc đậu mùa khỉ cũng được điều trị bằng các loại thuốc như trên, tuy nhiên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ lưu ý các nhóm thuốc này đều chưa có dữ liệu về hiệu quả. Cidofovir và brincidofovir được chứng minh chống lại các virus thuộc họ poxvirus (có thể gây ra đậu mùa) trong nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm. Các nhà khoa học vẫn chưa biết thuốc có thể điều trị cho người có triệu chứng nặng hay không. Tecovirimat hiệu quả điều trị các virus thuộc chi orthopoxvirus (thuộc họ poxvirus) có thể gây ra đậu mùa, thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc an toàn và dung nạp tốt, chỉ gây ra tác dụng phụ không đáng kể.



Hình ảnh hiển vi điện tử một chủng đậu mùa khỉ. Ảnh:Smith Collection

Hình ảnh hiển vi điện tử một chủng virus đậu mùa khỉ. Ảnh: Smith Collection


Ngoài thuốc điều trị, vaccine đậu mùa khỉ cũng được quan tâm. Lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết thế giới hiện chỉ có hai loại vaccine được Mỹ cấp phép sử dụng, đều là vaccine virus sống. Vaccine có lộ trình hai liều, tiêm cách nhau 4 tuần, dành cho người trên 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không tiêm đại trà vaccine này, mà chỉ dùng cho nhóm nguy cơ cao.


"Việt Nam hiện chưa có vaccine cũng như các khuyến cáo về tiêm vaccine đậu mùa khỉ", đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nói, chiều 3/10.


Hai loại vaccine thế giới sử dụng là Jynneos và ACAM2000. Jynneos vốn được dùng để phòng bệnh đậu mùa, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại vaccine này để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019. Đây là vaccine sử dụng virus bất hoạt, không thể sao chép, như vậy virus đậu mùa trong vaccine không lây lan trong cơ thể. Vaccine được tiêm hai mũi, cách nhau 4 tuần. Dữ liệu từ châu Phi cho thấy vaccine hiệu quả ít nhất 85% trong việc ngăn ngừa virus lây nhiễm. Tác dụng của Jynneos với đậu mùa khỉ được rút ra từ nghiên cứu lâm sàng về tính miễn dịch và nghiên cứu tiền lâm sàng trước đó.


Vaccine ACAM2000 được FDA cấp phép sử dụng cho người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa. CDC Mỹ khuyến cáo tiêm vaccine cho người từ một tuổi trở lên, tiêm một liều duy nhất. Các tác dụng phụ sau tiêm bao gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, lây nhiễm virus do tiêm chủng cho những người tiếp xúc trong gia đình.


Vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ hiệu quả nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với virus. Các chuyên gia cũng cho rằng tiêm ngay sau khi lây nhiễm có thể ngăn ngừa bệnh hoặc làm cho các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.


Đường lây truyền và triệu chứng đậu mùa khỉ (bấm vào ảnh). Đồ họa: Tạ Lư

Đường lây truyền và triệu chứng đậu mùa khỉ (bấm vào ảnh). Đồ họa: Tạ Lư


Đậu mùa khỉ có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, gồm giảm thị lực, giảm ý thức, hôn mê, co giật, suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu, bị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Những trường hợp này phải điều trị ở bệnh viện tuyến trên. Người bệnh xuất viện nếu cách ly tối thiểu 14 ngày và không có triệu chứng, không xuất hiện tổn thương mới trên da trong ít nhất 48 giờ, các tổn thương cũ đã đóng vảy.


WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát, truy vết tiếp xúc và quản lý các ca nhiễm. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo việc mua sắm thuốc và vaccine một cách ồ ạt, bừa bãi khi ca nhiễm còn tương đối thấp sẽ để lại tác động tiêu cực.


Sáng 3/10, Sở Y tế TP HCM ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ qua giám sát dịch tễ, là ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam và được xác định lây nhiễm từ nước ngoài.


WHO ghi nhận hơn 68.000 ca đậu mùa khỉ tại 106 nước, 25 trường hợp tử vong, kể từ tháng 5 đến nay. Tỷ lệ tử vong ước tính 0-1%. Tổ chức này đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao, khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) mức thấp đến trung bình, các khu vực khác nguy cơ trung bình

[Continue reading...]
 
Copyright © . TiNa-Sữa non - Posts · Comments
Theme Template by BTDesigner · Powered by Blogger